Tóm tắt nội dung Khánh Dư Niên

Nội dung tóm tắt được lấy tại Khánh Dư Niên《庆余年》Joy Of Life

– Tại một thời điểm nào đó trong tương lai của chúng ta, nền văn minh hiện đại bị hủy diệt do chiến tranh hạt nhân, hầu hết nhân loại đều thiệt mạng do lượng phóng xạ hạt nhân cực lớn sau cuộc chiến. Những người còn sống sót là những người mà cơ thể đã thích nghi được với môi trường phóng xạ. Trải qua rất nhiều năm tháng, nền văn minh sơ khai của con người lại xuất hiện một lần nữa, từ thời kỳ nguyên thủy dần dần phát triển đến thời đại phong kiến.

– Mặc dù hầu hết nền văn minh tân tiến trong quá khứ đều đã biến mất nhưng tại Bắc Cực vẫn còn lại một cơ sở quân sự còn sót lại. Trí tuệ nhân tạo trong cơ sở này nhận biết tình hình của nhân loại và kết luận rằng văn minh hiện đại đồng nghĩa với sự tuyệt chủng. Vì thế, để tránh cho con người một lần nữa tự hủy, trí tuệ nhân tạo một mặt dạy con người những kỹ năng cần thiết để phát triển (chữ viết, thủ công…), mặt khác thì luôn khống chế tiến độ phát triển của họ. Trí tuệ nhân tạo truyền dạy kiến thức cho con người thông qua những người máy chiến đấu dạng người được gọi là sứ giả.

– Trong hành trình viết lại lịch sử nhân loại, trí tuệ nhân tạo ở cơ sở quân sự trên Bắc Cực được người đời tôn vinh là Thần Miếu, coi đó như một loại tôn giáo thờ cúng. Ngoài ra, trí tuệ nhân tạo còn nghiên cứu ứng dụng nguồn năng lượng phóng xạ trong cơ thể nhân loại mới bằng cách viết ra những bí kíp võ công và truyền dạy nó. Thứ mà nhân loại mới gọi là “chân khí” chính là năng lượng phóng xạ hạt nhân trong cơ thể họ.

– Các luật lệ của trí tuệ nhân tạo đề ra, hay cũng chính là luật của Thần Miếu bao gồm: Luật số 0 – Thần Miếu phải bảo vệ lợi ích chung của nhân loại khỏi bị tổn hại và ba luật khác được thiết lập dựa theo tiền đề này; Luật số 1 – Thần Miếu không được làm hại con người, không được phép đứng yên khi con người bị hại; Luật số 2 – Thần Miếu phải tuân theo mọi mệnh lệnh của con người nhưng không được vi phạm luật trước; Luật số 3 – Thần Miếu phải bảo vệ sự an toàn của bản thân nhưng không được vi phạm hai luật trước.

– Lúc này trên đại lục có ba quốc gia là: Nam Khánh, quân đội tuy hùng mạnh, nhưng văn hóa tương đối lạc hậu; Bắc Tề, chủ trương đầu tư về văn hóa nhưng giới quý tộc chỉ lo ham vui nên về mặt quân sự luôn bị Nam Khánh đàn áp; Đông Di, một thành phố cảng có nền thương mại thịnh vượng, một quốc gia tự do không có vua mà chỉ có thành chủ.

Tóm tắt nội dung Khánh Dư Niên
– Diệp Khinh Mi là một nữ tiến sĩ xuyên không vào cơ thể của một cô bé. Diệp Khinh Mi tìm đến Thần Miếu, ăn trộm một khẩu súng máy, vài cuốn bí kíp sử dụng “chân khí” lợi hại nhất, rồi cùng với Ngũ Trúc – người máy mạnh nhất, trốn khỏi Thần Miếu. Trên đường trốn chạy, Ngũ Trúc nhiều lần ở lại phía sau chặn quân truy đuổi để Diệp Khinh Mi thoát thân.

– Cùng thời điểm đó, hoàng đế Bắc Tề vì muốn tìm thuốc trường sinh nên phái quân đi về phía bắc tìm Thần Miếu, dẫn đoàn là Khổ Hà (hoàng thân quốc thích) và Tiêu Ân. Đoàn người gặp nhiều khó khăn vì thời tiết vùng cực nên chết gần hết, chỉ còn lại Khổ Hà và Tiêu Ân may mắn đặt chân đến cổng Thần Miếu. Tuy nhiên, bấp chấp họ có làm gì đi nữa, công nghệ hiện đại ở đây ngăn cản họ bước vào trong. Ngay khi họ đang không biết làm gì tiếp thì Thần Miếu mở ra và Diệp Khinh Mi xuất hiện.

– Diệp Khinh Mi tặng cho hai người một cuốn bí kíp võ công, tuy nhiên, theo đánh giá của cô thì Khổ Hà luyện sẽ thích hợp hơn Tiêu Ân. Và đúng như dự đoán đó, dù luyện cùng nhau nhưng Khổ Hà tiến bộ rất nhanh, sau một thời gian thì trở thành đại tông sư. Dù cùng rời Thần Miếu cùng Khổ Hà và Tiêu Ân nhưng giữa đường họ tách ra vì Diệp Khinh Mi muốn quay lại đón Ngũ Trúc.

– Tham vọng của Diệp Khinh Mi là thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại, giúp họ phát triển công nghệ và sự dân chủ, vì vậy đầu tiên cô chọn kinh doanh tại Đông Di. Diệp Khinh Mi hi vọng thông qua sự phát triển của công nghiệp và thương mại có thể đẩy nhanh sự tiến bộ. Tuy nhiên, cô nhanh chóng nhận ra rằng sự phát triển kinh tế chỉ đem lại lợi ích cho những người giàu có và quyền lực. Diệp Khinh Mi sau đó nghĩ rằng muốn thay đổi thì phải can thiệp vào chính trị, vì thế cô đưa Ngũ Trúc đến Khánh Quốc, nơi có tình hình chính trị hỗn loạn với người dân hung dữ và quân đội hùng mạnh.

– Trong thời gian ở Đông Di, dưới một cái cây lớn, Diệp Khinh Mi gặp Phí Giới Tứ đang chơi với lũ kiến. Giới Tứ này chỉ là một gã khờ, dù là con trai của thành chủ thành Đông Di nhưng lại bị chính người nhà ghét bỏ, người dân chê cười. Tuy vậy, Diệp Khinh Mi với tư tưởng hiện đại đã không hề đối xử phân biệt với hắn ta. Diệp Khinh Mi đưa cho gã khờ đó một cuốn bí kíp sử dụng kiếm pháp. Dựa vào cuốn bí kíp cũng như hiểu biết của bản thân, Phí Giới Tứ đã trở thành một bậc thầy sử dụng kiếm pháp với danh xưng Tứ Cố Kiếm. Tứ Cố Kiếm dùng kiếm thuật của mình tàn sát toàn bộ gia đình, trả thù sự đối đãi tệ bạc mà hắn phải chịu xưa nay. Em trai của hắn trốn sau đống cỏ khô nên may mắn thoát được một mạng, khiếp sợ bỏ trốn sang Khánh Quốc, sau này trở thành sát thủ hàng đầu của Giám Sát Viện với cái tên Ảnh Tử.

– Tứ Cố Kiếm trả được thù riêng nhưng vì thế mà bị Diệp Khinh Mi ghét bỏ. Diệp Khinh Mi cùng Ngũ Trúc rời đi, Tứ Cố Kiếm sau đó nhanh chóng trở thành đại tông sư và thu nhận rất nhiều đệ tử biến thành Đông Di thành nơi tuy nhỏ bé nhưng lại có nhiều cao thủ cửu phẩm nhất.

– Diệp Khinh Mi và Ngũ Trúc đến Khánh Quốc, mở hiệu buôn, kinh doanh rất nhiều thứ với trí tuệ của người hiện đại như: thủy tinh, xà phòng, đường kính… kiếm được rất nhiều tiền. Tại Khánh Quốc, Diệp Khinh Mi làm quen với ba người bạn là con trai của vương gia Nam Khánh, thái giám Trần Bình Bình và con trai nhũ mẫu Phạm Kiến.

– Diệp Khinh Mi muốn lợi dụng con trai vương gia để thực hiện tham vọng của mình nên đã dùng súng máy giết hết các đối thủ tranh đạt ngôi vị, trực tiếp đưa vương gia, rồi sau đó là con trai ông ta lên ngôi hoàng đế Nam Khánh. Diệp Khinh Mi sử dụng vàng bạc kiếm được từ hiệu buôn để giúp Khánh Đế ổn định ngai vàng. Thành lập Giám Sát Viện và đưa Trần Bình Bình lên làm viện trưởng với ý tưởng thực sự là để giám sát hoàng đế và hạn chế quyền lực của hoàng gia.

– Diệp Khinh Mi có một lý tưởng vĩ đại: mọi người trên thế gian đều bình đẳng. Tuy nhiên, tư tưởng tiến bộ của Diệp Khinh Mi rất nguy hiểm đối với chế độ quân chủ của Khánh Đế. Ham muốn quyền lực của Khánh Đế lớn hơn rất nhiều so với tình yêu ông ta dành cho Diệp Khinh Mi. Khánh Đế muốn thống nhất thiên hạ và biến mình trở thành vị hoàng đế vĩ đại nhất, biến Khánh Quốc trở thành vương triều tồn tại mãi mãi. Vì vậy, Khánh Đế quyết định rằng Diệp Khinh Mi phải chết.

– Tuy nhiên, Khánh Đế không thể trực tiếp ra tay với Diệp Khinh Mi vì vẫn còn đó Trần Bình Bình, viện trưởng Giám Sát Viện; Phạm Kiến, thị lang Hộ Bộ; và nhất là Ngũ Trúc với võ công tuyệt đỉnh. Nếu Khánh Đế trực tiếp giết Diệp Khinh Mi, Khánh Quốc chắc chắn sẽ đại loạn. Vì vậy, lúc này ý muốn ra tay mới chỉ dừng lại trong suy nghĩ của Khánh Đế.

– Khánh Đế được Diệp Khinh Mi cho một cuốn bí kíp gọi là Bá Đạo Chân Khí nhưng việc tu luyện môn chân khí này rất chậm và muốn luyện thành cao thủ cần phải phá bỏ kinh mạch toàn thân. Diệp Khinh Mi không phải là người luyện võ nên hoàn toàn không biết gì về cách luyện Bá Đạo Chân Khí, tuy nhiên, Khánh Đế lại cho rằng Diệp Khinh Mi muốn giấu hắn ta bí quyết luyện tập.

– Trong một lần dẫn quân viễn chinh, Khánh Đế bị tẩu hỏa nhập ma do không biết cách luyện tập, vô tình khiến kinh mạch toàn thân đứt hết. Trần Bình Bình dẫn hắc kỵ hành quân ngàn dặm đến ứng cứu, không may bị thương mất hai chân, từ đó phải ngồi xe lăn. Còn Khánh Đế thì không những không tổn hại, lại còn vô ý luyện thành công Bá Đạo Chân Khí, chính thức trở thành một đại tông sư nhưng trong lòng ghi hận, nghĩ Diệp Khinh Mi muốn hại mình tẩu hỏa nhập ma, tự dặn từ giờ chỉ có thể tin vào bản thân mà thôi.

– Trong khoảng thời gian Diệp Khinh Mi và Ngũ Trúc ở kinh đô Nam Khánh, gia chủ Diệp gia nổi tiếng ở kinh đô là Diệp Lưu Vân đã nhiều lần đến khiêu chiến đòi tỉ võ với Ngũ Trúc, từ đó khai mở tiềm năng, trở thành vị đại tông sư thứ tư.

– Khánh Đế trở về, không muốn lộ thân phận cao thủ nên đã dùng Hồng Tứ Tường, một thái giám trong cung, làm bình phong che đậy. Bản chất của Bá Đạo Chân Khí là tích trữ chân khí trong cơ thể, Khánh Đế đã truyền cho Hồng Tứ Tường một lượng chân khí đủ lớn để ông ta có bản lĩnh gần như một đại tông sư thật sự.

– Đối với người trong thiên hạ, Khánh Quốc sở hữu hai đại tông sư, quân đội hùng mạnh, trở thành thiên hạ đệ nhất cường quốc. Chỉ là Bắc Tề và Đông Di cũng không hiếm đại cao thủ, Bắc Tề thì lãnh thổ rộng lớn, Đông Di thì kinh tế vững mạnh; thế chân vạc giữa ba quốc gia được hình thành.

– Diệp Khinh Mi sau một thời gian dài cố gắng, cảm thấy những việc làm của mình không đạt được kết quả gì thì vô cùng thất vọng và cô đơn. Cô biết mình không còn sống được bao lâu nữa vì đã gây thù với quá nhiều người. Diệp Khinh Mi sau đó đã bỏ thuốc Khánh Đế và mang thai một đứa trẻ, với mong muốn để lại vết tích của mình trên thế gian.

– Lúc này, Khánh Đế đang vô cùng ghen tị với sức ảnh hưởng của Diệp Khinh Mi đối với Giám Sát Viện và Nội Khố – cơ quan kiểm soát giao thương của Khánh Quốc, ngày đêm nghĩ cách tiêu diệt cô.

– Thần Miếu thì vô cùng gai mắt với những tiến bộ do Diệp Khinh Mi gây ra, thứ làm ảnh hưởng trực tiếp tới mục đích thao túng nền văn minh, nhưng vẫn chưa thể xử lý cô do sự có mặt của Ngũ Trúc. Trong số các sứ giả của Thần Miếu thì Ngũ Trúc là kẻ mạnh nhất, dù những người máy khác chỉ yếu hơn anh ta một chút nhưng số lượng hạn chế khiến cho Ngũ Trúc có thể tiêu diệt họ từng chút từng chút.

– Đồng thời, hàng loạt cải cách của Diệp Khinh Mi ở Nam Khánh khiến hoàng gia và giới quý tộc e sợ. Thái Hậu và Hoàng Hậu chỉ muốn nhanh chóng loại bỏ cô. Trưởng công chúa Lý Vân Duệ, em họ của Khánh Đế mặc dù luôn hâm mộ Diệp Khinh Mi nhưng đồng thời cũng vô cùng thèm khát vị trí của vị thần tiên tỉ tỉ này.

– Đỉnh điểm của những sự thù ghét này, các phe phái đã bắt tay với nhau để tìm cách giết chết Diệp Khinh Mi. Khánh Đế liên lạc với Thần Miếu thông qua những sứ giả ở Khánh Miếu, yêu cầu bọn chúng tìm cách đánh lạc hướng Ngũ Trúc. Đồng thời, Khánh Đế cũng dẫn quân khai chiến với Bắc Tề, buộc viện trưởng Trần Bình Bình phải rời kinh đô để kiểm soát thông tin tình báo, buộc thị lạng Hộ Bộ là Phạm Kiến phải rời kinh đô để điều phối quân nhu. Và sau đó, phe cánh của Thái Hậu, Hoàng Hậu sẽ là những người ra tay với Diệp Khinh Mi.

– Vào ngày Diệp Khinh Mi hạ sinh đứa bé, người của Thái Hậu đã nắm bắt cơ hội và giết chết cô. Mặc dù Ngũ Trúc và Trần Bình Bình đã cố gắng hết sức để nhanh chóng quay về kinh đô nhưng họ chỉ có thể cứu được con trai của Diệp Khinh Mi. Lo sợ sự nguy hiểm ở kinh đô, Ngũ Trúc đã đưa con trai cô đến Đạm Châu và giao cho nhũ mẫu của Khánh Đế, ngụy trang dưới thân phận con hoang của Phạm Kiến, lấy tên là Phạm Nhàn.

– Khi Khánh Đế về đến kinh đô, ông ta đã cùng với Trần Bình Bình đã ra tay giết sạch toàn bộ những kẻ thuộc phe cánh Thái Hậu, Hoàng Hậu đã tham gia ám hại Diệp Khinh Mi. Hành động này của Khánh Đế vừa để ngụy trang vai trò của ông ta trong âm mưu này, vừa để giảm quyền lực của hậu cung, tiến hành nắm toàn bộ Khánh Quốc trong tay.

– Tĩnh Vương (em trai Khánh Đế), Trần Bình Bình và Phạm Kiến đều nghi ngờ cái chết của Diệp Khinh Mi có liên quan tới Khánh Đế nhưng họ không có bằng chứng cũng như manh mối cụ thể. Những năm sau đó, Khánh Đế vẫn duy trì màn kịch tiếc thương Diệp Khinh Mi bằng cách thường xuyên lui đến biệt viện Thái Bình nơi ở của cô, lưu giữ những đồ vật và phát minh của cô, vân vân…

– Tĩnh Vương tin chắc người hại Diệp Khinh Mi là Khánh Đế nhưng ông ấy cũng chẳng thể làm được gì, vì vậy Tĩnh Vương giả vờ bị mê hoặc bởi việc vui thú cây cối và âm nhạc, không quan tâm gì khác.

– Sau lần hợp tác với Khánh Đế, Thần Miếu nhận thấy một kẻ thâm hiểm như Khánh Đế rất hợp với việc ngăn chặn sự phát triển của nhân loại nên từ đó về sau luôn ủng hộ ông ta.

– Trong thời gian Phạm Nhàn ở Đạm Châu, Trần Bình Bình đã sắp xếp cho cao thủ dùng độc Phí Giới làm sư phụ Phạm Nhàn, Ngũ Trúc đưa cho Phạm Nhàn bộ bí kíp Bá Đạo Chân Khí và trở thành người dạy võ công cho cậu ta. Tất cả sự chuẩn bị này là để chờ đợi cơ hội trả thù cho Diệp Khinh Mi.

Tóm tắt nội dung Khánh Dư Niên

– Phạm Nhàn mười sáu tuổi rời khỏi Đạm Châu về kinh đô để thành hôn với quận chúa Lâm Uyển Nhi dưới thân phận con hoang của Phạm Kiến. Lâm Uyển Nhi là con hoang của trưởng công chúa Lý Vân Duệ và tể tướng Lâm Nhược Phủ. Từ nhỏ, Lâm Uyên Nhi lớn lên ở trong cung, được Khánh Đế và Thái Hậu vô cùng yêu quý. Trưởng công chúa Lý Vân Duệ là người đang nắm trong tay Nội Khố của Nam Khánh. Sau khi cưới, Phạm Nhàn sẽ trở thành người thừa hưởng Nội Khố theo ý muốn của Khánh Đế. Vì lý do này nên Phạm Nhàn và Lý Vân Duệ trở thành hai kẻ đối nghịch với nhau.

– Trên đường về kinh, Phạm Nhàn bị sát thủ của trưởng công chúa phái đến ám sát nhưng dễ dàng thoát nạn.

– Con gái Phạm Kiến là Phạm Nhược Nhược, từng có thời gian sống tại Đạm Châu, là người rất ngưỡng mộ vị đại ca Phạm Nhàn. Hai người thường xuyên trao đổi thư từ trong thời gian xa cách. Vào thời điểm Phạm Nhàn về kinh, Nhược Nhược đã là một tài nữ nổi tiếng ở kinh đô, là bạn tốt của Tĩnh Vương thế tử Lý Hoằng Thành và cháu gái đại tông sư Diệp Lưu Vân tên là Diệp Linh Nhi.

– Trong trận giao đấu đầu tiên với Phạm Nhàn, Diệp Linh Nhi nhanh chóng bị đánh bại. Cô ấy nhận Phạm Nhàn là sư phụ, đồng thời cũng chỉ cho cậu ta kỹ thuật của Lưu Vân Tán Thủ nhà họ Diệp.

– Phạm Nhàn còn thuyết phục Phạm Tư Triệt, con trai út của Phạm Kiến, cùng mình mở hiệu sách kinh doanh tiểu thuyết Hồng Lâu, thứ do cậu ta chép lại theo trí nhớ từ tác phẩm Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần. Phạm Nhàn cũng giống như Diệp Khinh Mi, là một người hiện đại xuyên không.

– Trong lúc rảnh rỗi, Phạm Nhàn lang thang đến Khánh Miếu, vô tình gặp Khánh Đế và “cô nương đùi gà” Lâm Uyển Nhi. Phạm Nhàn biết mặt vợ chưa cưới của mình nên mỗi tối thường mang chân gà đi gặp Lâm Uyển Nhi, nhân tiện tìm cách chữa khỏi căn bệnh lao bẩm sinh của cô ấy.

– Lý Vân Duệ là một người phụ nữ rất phức tạp. Cô ta đem lòng yêu anh họ mình là Khánh Đế nhưng không được đáp lại, vì thế, cô ta quyến rũ con trai Khánh Đế để trả thù ông ta. Bề ngoài, Lý Vân Duệ tỏ ra ủng hộ Thái Tử nhưng kỳ thực lại làm việc cho nhị hoàng tử.

– Phạm Nhàn ngày càng trở nên nổi tiếng ở kinh đô vì trình độ văn chương thi phú cực cao, đó thực chất là những bài thơ cậu ta nhớ được ở kiếp trước. Trưởng công chúa vì muốn hại Phạm Nhàn nên đã nhờ đại tông sư văn đàn người Bắc Tề tên là Trang Mặc Hàn vu khống Phạm Nhàn đạo văn, nói rằng Phạm Nhàn còn quá trẻ để có thể viết ra những bài thơ sâu sắc đến vậy.

– Nhưng Phạm Nhàn, trong lúc say rượu, đứng giữa bá quan văn võ đọc liền một mạch 300 bài thơ Đường mà cậu ta thuộc lòng, chứng minh rằng Trang Mặc Hàn chỉ là kẻ vu khống hại người.

– Trang Mặc Hàn sau đó đã phải gặp riêng Phạm Nhàn để xin lỗi và tiết lộ rằng trưởng công chúa đã ép ông ta vu oan cho Phạm Nhàn để đổi lấy sự tự do cho Tiêu Ân, em trai của ông ta, người đang bị Trần Bình Bình giam giữ tại giám sát viện.

– Phạm Nhàn được mọi người gọi là Thi Tiên, trưởng công chúa thì thất bại nhưng vẫn chưa chịu bỏ cuộc. Cô ta thông đồng với Bắc Tề để bắt giữ Ngôn Băng Vân, thủ lĩnh mật thám của Khánh Quốc tại Bắc Tề, buộc Nam Khánh phải lấy Tiêu Ân ra trao đổi.

– Thông qua Ngũ Trúc, Phạm Nhàn biết được rằng mẹ mình có để lại một chiếc hộp nhưng không có chìa khóa để mở. Vì thế, Phạm Nhàn cùng Ngũ Trúc bí mật đột nhập vào hậu cung để trộm lại chìa khóa từ tay Thái Hậu. Từ trong chiếc hộp, hai người tìm thấy khẩu súng máy của Diệp Khinh Mi và bức thư thể hiện kỳ vọng của bà ấy đối với nhân loại.

– Trần Bình Bình giao lại chức vụ viện trưởng Giám Sát Viện cho Phạm Nhàn. Khánh Đế ra lệnh cho Phạm Nhàn dẫn Tiêu Ân và Tư Lý Lý về Bắc Tề đổi lấy Ngôn Băng Vân.

– Tư Lý Lý này thực ra là con cháu hoàng thất Nam Khánh, ông nội của cô ta là người đã bị Diệp Khinh Mi bắn chết để đoạt vương vị về cho Khánh Đế. Cô ta cùng gia đình chạy sang Bắc Tề rồi cuối cùng lại được cử sang Nam Khánh làm mật thám và bị bắt. Lần này, cô ta được lấy ra trao đổi với tư cách là người phụ nữ được hoàng đế Bắc Tề yêu thích.

– Trước khi đi Bắc Tề, Phạm Nhàn thành lập một đội thân vệ dưới quyền ra lệnh của cậu ta, đứng đầu là Vương Khải Niên, một nhân tài xuất sắc của Giám Sát Viện. Đồng thời, Phạm Nhàn cũng gặp gỡ những đệ tử khác của Phí Giới tại Giám Sát Viện và lấy được khá nhiều độc dược hữu ích.

– Sau cuộc nói chuyện với Trần Bình Bình, Phạm Nhàn xác nhận thân thế của mình là con hoang của Khánh Đế. Nhận thức được sự kỳ lạ trong cái chết của Diệp Khinh Mi, Phạm Nhàn bắt đầu trau dồi sức mạnh của mình.

– Trên đường sang Bắc Tề, Phạm Nhàn gặp Hải Đường Đóa Đóa, đệ tử của đại tông sư Khổ Hà chặn đường. Đóa Đóa muốn giết Tiêu Ân theo lệnh của sư phụ vì Khổ Hà muốn che giấu thông tin về Thần Miếu.

– Võ công của Phạm Nhàn không bằng Đóa Đóa nên cậu ta đã lừa Đóa Đóa bằng cách giả sử dụng xuân dược rồi bỏ chạy.

– Sau khi tiến vào kinh đô Bắc Tề, Phạm Nhàn nhận ra tiểu hoàng đế của Bắc Tề là người hâm mộ tác phẩm “Hồng Lâu”. Phạm Nhàn cam kết với hoàng đế Bắc Tề sau khi trở về sẽ nắm quyền Nội Khố và gian buôn với Bắc Tề.

– Đổi Tiêu Ân và Tư Lý Lý, Phạm Nhàn có thêm một thuộc hạ trung thành là Ngôn Băng Vân dưới trướng.

– Phạm Nhàn đã tranh thủ hợp tác với một vị tướng của Bắc Tề là Thượng Sam Hổ để cứu Tiêu Ân khỏi nhà giam. Do bị các cao thủ của Bắc Tề cản đường, lúc Phạm Nhàn cứu được Tiêu Ân thì ông ta cũng đang hấp hối gần chết. Trước khi chết, Tiêu Ân tiết lộ cho Phạm Nhàn về nguồn gốc của Diệp Khinh Mi và vị trí của Thần Miếu.

– Hoàng đế Bắc Tề, Chiến Đậu Đậu, là con gái của tiên đế, giả trai để kế thừa ngai vị. Tư Lý Lý trên danh nghĩa là thê thiếp của hoàng đế nhưng thực chất cùng với Đóa Đóa đều là mật thám dưới trướng Chiến Đậu Đậu.

– Phạm Nhàn trở về Nam Khánh, thành thân với Lâm Uyển Nhi và chuẩn bị kế thừa Nội Khố từ tay trưởng công chúa. Vì hoạt động kinh doanh của Nội Khố chủ yếu nằm ở vùng Giang Nam nên Phạm Nhàn sẽ phải nam tiến để tiếp quản công việc.

– Trước khi Phạm Nhàn đi về phía nam, ở kinh đô có cao thủ bí ẩn xuất hiện muốn ám sát Khánh Đế. Sát thủ ấy không ai khác chính là Ảnh Tử làm theo lệnh của Trần Bình Bình. Trần Bình Bình lúc này đã hạ quyết tâm chống lại Khánh Đế để trả thù cho Diệp Khinh Mi nhưng vì không muốn liên lụy Phạm Nhàn nên ra lệnh cho Ảnh Tử phải tấn công cả Phạm Nhàn.

– Phạm Nhàn ra tay bảo vệ Khánh Đế, truy đuổi Ảnh Tử. Trong quá trình giao đấu, Bá Đạo Chân Khí của Phạm Nhàn bộc phát khó kiểm soát khiến bản thân trúng một kiếm của Ảnh Tử. Tuy không ảnh hưởng tới tính mạng nhưng chân khí bị tổn thương phải tĩnh dưỡng một thời gian.

– Để thưởng cho Phạm Nhàn có công hộ giá, Khánh Đế ban cho Phạm Nhàn một đội vệ sĩ. Thời gian này, trưởng công chúa luôn sai người ám toán Phạm Nhàn nhưng đều bị đội vệ sĩ đánh bại.

– Để đảm bảo an toàn cho gia đình trước khi lại rời kinh đô, Phạm Nhàn đã tính toán sắp xếp một vài thứ. Phạm Nhược Nhược lúc này sắp phải thành hôn với thế tử Lý Hoằng Thành, tuy hai người là bạn bè thân thiết nhưng Nhược Nhược không hề muốn thành gia lập thất, vì vậy Phạm Nhàn đã sắp xếp cho em gái sang Bắc Tề học y thuật và nhờ cậy Đóa Đóa bảo vệ. Ngoài ra, dựa vào kế hoạch gian buôn với triều đình Bắc Tề, Phạm Nhàn cũng cho Phạm Tư Triệt sang Bắc Tề để tiếp quản các mối làm ăn.

– Phạm Nhàn xuống Giang Nam được lệnh dẫn theo tam hoàng tử, con trai của Khánh Đế với Nghi Quý Tần (em họ của Liễu Như Ngọc, nhị phu nhân của Phạm Kiến). Tam hoàng tử còn nhỏ tuổi, bị bắt phải đi theo Phạm Nhàn để rèn luyện.

– Để giám sát việc làm ăn của Nội Khố với triều đình Bắc Tề, tiểu hoàng đế Bắc Tề cử Đóa Đóa theo Phạm Nhàn xuống Giang Nam.

– Khổ Hà không rõ vì sao biết được Phạm Nhàn là con trai của Diệp Khinh Mi, sai Đóa Đóa đem tặng cho Phạm Nhàn cuốn bí kíp Thiên Nhất Đạo. Nhờ bí kíp này, Phạm Nhàn có thể làm thuyên giảm các hiệu ứng xấu của Bá Đạo Chân Khí. Tuy nhiên, vì vẫn chưa đạt được đột phá chân khí như Khánh Đế, Phạm Nhàn vẫn chỉ ở mức trên cửu phẩm.

– Tại Giang Nam, Phạm Nhàn tranh thủ sự ủng hộ của một số tôi tớ trung thành của Diệp Khinh Mi, nhanh chóng giải quyết các vấn đề của Nội Khố do trưởng công chúa gây ra, tiện tay lôi kéo các gia tộc ở đây về phe mình.

– Xong việc ở Giang Nam, Phạm Nhàn tiện đường trở về Đạm Châu thăm bà nội. Trên đường đi lại có rất nhiều sát thủ ám sát cậu ta, một cao thủ bí ẩn xuất hiện bảo vệ cậu ta khỏi tất cả mối nguy hiểm. Cao thủ này tên là Vương Thập Tam Lang, đệ tử của Tứ Cố Kiếm. Giống như Đóa Đóa, anh ta được sư phụ cử đến giúp Phạm Nhàn.

– Phạm Nhàn nhờ Vương Thập Tam Lang tìm giết Yến Tiểu Ất, tiễn thủ cửu phẩm đứng đầu đám sát thủ của trưởng công chúa.

– Chưa kịp về đến kinh đô Nam Khánh, đoàn xe của Phạm Nhàn lại bị tấn công bằng cung nỏ quân dụng. Dù Phạm Nhàn và Đóa Đóa đánh bại hết đám sát thủ nhưng đoàn xe của họ bị tổn thất nặng nề. Hai người phát hiện ra những sát thủ này thuộc về Tần gia.

– Tần gia là một gia tộc lớn của Nam Khánh, là một trong những thế lực từng tham gia vào âm mưu hạ sát Diệp Khinh Mi nhưng may mắn thoát khỏi sự trả thù của Trần Bình Bình. Hiện tại, Trần Bình Bình đã điều tra ra dấu tay của Tần gia, bọn họ lo sợ gia tộc sẽ bị Trần Bình Bình và Khánh Đế xóa bỏ nên đã hợp tác với trưởng công chúa, nghe lệnh truy giết Phạm Nhàn.

– Tuy nhiên, âm mưu ám sát Phạm Nhàn của Tần gia trên thực tế có sự thúc đẩy ngầm của chính Trần Bình Bình. Ông ta muốn một lần nữa cho Khánh Đế thấy Phạm Nhàn không liên quan đến các phe phái chống đối hoàng đế, nhằm giữ an toàn cho cậu ta.

– Về kinh, Phạm nhàn thông qua nhiều manh mối điều tra ra việc trưởng công chúa Lý Vân Duệ thực chất chỉ giả vờ phản bội Thái Tử để theo nhị hoàng tử, cô ta có quan hệ loạn luân với Thái Tử và luôn ủng hộ Thái Tử.

– Phạm Nhàn khéo léo sắp xếp để Khánh Đế biết được mối quan hệ sai trái này. Khánh Đế tức giận và trục xuất trưởng công chúa cùng Thái Tử ra khỏi kinh đô.

– Nhị hoàng tử thành thân với Diệp Linh Nhi nên trong mắt mọi người Diệp gia thuộc về phe cánh nhị hoàng tử.

– Phạm Nhàn trong lúc làm việc ở Nội Khố phát hiện ra đội thủy quân Tuyền Châu của Nam Khánh tuy được kiểm soát bởi Tần gia nhưng vẫn có rất nhiều người còn trung thành với Diệp Khinh Mi.

– Khánh Đế bày mưu đã lâu, xác định được đã đến thời điểm giăng lưới tiêu diệt các kẻ thù của mình nên sắp xếp Phạm Nhàn đi cùng ông ta đến viếng Khánh Miếu ở Đại Đông Sơn (không phải Khánh Miếu ở gần kinh đô).

Tóm tắt nội dung Khánh Dư Niên

– Khánh Đế yêu cầu Phạm Nhàn và Giám Sát Viện chịu trách nhiệm về sự an toàn của ông ta trong chuyến đi tới Đại Đông Sơn. Khánh Đế lấy bản thân mình làm mồi nhử khiến cho triều đình Bắc Tề, thành Đông Di, Tĩnh Vương, nhị hoàng tử, trưởng công chúa, Tần gia đều cảm thấy đây là cơ hội duy nhất để hạ sát Khánh Đế. Không một ai biết Khánh Đế chính là đại tông tư, họ đều nghĩ Hồng Tứ Tường là đại tông sư.

– Trận chiến tại Đại Đông Sơn có sự tham gia của cả ba vị tông sư còn lại: Khổ Hà, Tứ Cố Kiếm và Diệp Lưu Vân (ngoài mặt thì đứng về phe nhị hoàng tử nhưng thực chất là nghe lệnh Khánh Đế).

– Quân Bắc Tề: Thượng Sam Hổ, mãnh tướng bách chiến bách thắng.

– Quân Nam Khánh: Diệp gia (thực chất đều nghe lệnh Khánh Đế), Tần gia, Yến Tiểu Ất và 5000 lính ngoài biên ải, thủy quân Tuyền Châu, Trần Bình Bình và một số người thuộc Giám Sát Viện.

– Đội hình bảo vệ Khánh Đế: nhóm vệ sĩ do Vương Khải Niên chỉ huy, kỵ binh hồng giáp của Phạm Kiến, Hồng Tứ Tường.

– Hầu hết binh lính bảo vệ Khánh Đế đều bị hạ nhanh chóng do quân của Yến Tiểu Ất và sự có mặt của ba vị đại tông sư. Vương Thập Tam Lang thậm chí còn chiến đấu với chính sư phụ của mình vì tình bạn với Phạm Nhàn, tất nhiên là anh ta thua nhưng không chết.

– Cuối cùng chỉ còn lại Khổ Hà, Tứ Cố Kiếm và Diệp Lưu Vân đối đầu với Khánh Đế và Hồng công công. Hồng Tứ Tường sau đó bị ba đại tông sư đánh bại.

– Khánh Đế vẫn tiếp tục diễn màn kịch yếu đuối. Ông ta ra lệnh cho Phạm Nhàn cầm theo khẩu dụ của hoàng đế trở về kinh đô để ổn định quốc gia. Trước khi Phạm Nhàn rời đi đã yêu cầu Ngũ Trúc bảo vệ Khánh Đế rồi tự mình nhảy xuống vách đá trốn thoát (từ nhỏ đã tập nhảy xuống vách đá với Ngũ Trúc).

– Yến Tiểu Ất cho rằng Khánh Đế chắc chắn sẽ mất mạng dưới tay ba đại tông sư nên quyết định truy giết Phạm Nhàn. Phạm Nhàn sau đó hạ được Yến Tiểu Ất.

– Đại Đông Sơn vốn là nơi có nồng độ phóng xạ hạt nhân vô cùng đặc. Lúc bình thường, thi thoảng Ngũ Trúc vẫn tìm đến đây để hồi phục trí nhớ, sức khỏe.

– Có sự giúp đỡ của Ngũ Trúc, cục diện lúc này là hai chọi ba. Đây cũng là cuộc đối đầu của năm người mạnh nhất thiên hạ.

– Giữa trận giao đấu, Diệp Lưu Vân bất ngờ lộ mặt đánh với Khổ Hà. Khánh Đế bất ngờ dùng bá khí thổi bay một nửa cơ thể Tứ Cố Kiếm rồi sau đó lại đánh vỡ hết kinh mạch toàn thân Khổ Hà. Khánh Đế cuối cùng cũng chính thức lộ mặt đại tông sư.

– Khổ Hà bỏ chạy, Tứ Cố Kiếm được đệ tử Vương Thập Tam Lang cõng chạy trốn về thành Đông Di.

– Kết quả của cuộc chiến trên Đại Đông Sơn: Khổ Hà và Tứ Cố Kiếm đều bị thương nặng, chỉ còn chờ chết; lực lượng của Trần Bình Bình và Phạm Kiến là Giám Sát Viện và hồng kỵ đều bị tiêu diệt gần hết; thủy quân Tuyền Châu chỉ còn lại những kẻ dưới trướng Khánh Đế; tất cả các thế lực chống đối Khánh Đế đều đã lộ mặt và không còn đường quay đầu.

– Do tin tức từ Đại Đông Sơn bị phong tỏa, trưởng công chúa, Thái Tử, nhị hoàng từ, Tần gia đồng loạt nổi dậy làm loạn theo kế hoạch. Vốn dĩ nhị hoàng tử còn có Diệp gia về phe nhưng Diệp gia vốn dĩ chỉ làm theo lệnh Khánh Đế. Phạm Nhàn cùng đại hoàng tử dẫn quân đánh tan quân phản loạn. Cuối cùng, tin tức Khánh Đế còn sống về đến kinh đô, quân phản loạn tan vỡ hoàn toàn.

– Thái Tử, nhị hoàng tử, trưởng công chúa, Tần gia và Tĩnh Vương đều bị ban cái chết. Thế tử Lý Hoằng Thành không liên can bởi không có mặt ở kinh đô. Diệp Linh Nhi trở thành góa phụ.

– Trong cơn biến loạn, Phạm Nhàn độc chết Thái Hậu để trả thù cho Diệp Khinh Mi.

– Cả Khánh Đế lẫn Phạm Nhàn đều nghi ngờ vai trò của Trần Bình Bình trong vụ phản loạn. Phạm Nhàn khuyên Trần Bình Bình dừng lại nhưng ông ta tiếp tục duy trì khoảng cách với Phạm Nhàn.

Tóm tắt nội dung Khánh Dư Niên

– Khánh Đế dù nghi ngờ Trần Bình Bình từ lâu nhưng thực tế vẫn không nỡ ra tay tiêu diệt người hầu cận lâu năm này, vì thế ông ta chỉ tước bỏ quyền lực của Trần Bình Bình bằng cách bổ nhiệm Phạm Nhàn làm viện trưởng, Ngôn Băng Vân làm đề ti Giám Sát Viện. Từ đó, Trần Bình Bình cũng rất chịu khó đóng vai một ông già tàn tật vô hại.

– Vào lúc này, Tứ Cố Kiếm sắp qua đời, vị thế trung lập của thành Đông Di sắp không còn, họ chỉ có thể chấp nhận trở thành một phần của Nam Khánh hoặc Bắc Tề. Cả hai nước lớn này đều cho người đến Đông Di để giành quyền sở hữu với thành phố. Sứ giả của Nam Khánh là Phạm Nhàn còn Bắc Tề thì tiểu hoàng đế tự thân đến đàm phán.

– Tứ Cố Kiếm trước lúc chết cho rằng, với khả năng của Phạm Nhàn thì cậu ta sẽ sớm phát hiện ra việc Khánh Đế có dính lứu tới cái chết của Diệp Khinh Mi. Ông ta dặn dò tất cả các đệ tử của mình phải trợ giúp cho Phạm Nhàn rồi qua đời.

– Thành Đông Di quy thuận Nam Khánh nhưng trên thực tế là thuộc về Phạm Nhàn. Phạm Nhàn sau đó lại giao Đông Di cho đại hoàng tử, người vốn có một nửa huyết mạch là người Đông Di. Đại hoàng tử đóng quân ở Đông Di, trong thâm tâm thực sự quý mến Phạm Nhàn.

– Trong lúc Phạm Nhàn ở Đông Di, Khánh Đế triệu tập Trần Bình Bình vào cung để tra hỏi về vai trò trong biến sự Đại Đông Sơn. Biết chuyện, Vương Khải Niên dùng khinh công vội vã chạy tới Đông Di tìm Phạm Nhàn giúp đỡ.

– Trần Bình Bình không hề sợ hãi, trực tiếp đối mặt với Khánh Đế và chất vấn ông ta về cái chết của Diệp Khinh Mi.

– Khánh Đế muốn ra tay giết Trần Bình Bình nhưng không ngờ trong xe lăn của Trần Bình Bình có hai khẩu súng máy do chính Diệp Khinh Mi trang bị. Khánh Đế bị bắn trọng thương nhưng dù sao ông ta vẫn là một đại tông sư, không dễ dàng mất mạng như thế.

– Sau đó Trần Bình Bình được ban cái chết. Phạm Nhàn về đến nơi cũng chỉ kịp nghe những lời cuối cùng của Trần Bình Bình. Ông ấy hỏi Phạm Nhàn rằng Diệp Khinh Mi đã để lại thứ gì trong chiếc hộp của cô ấy. Khi Phạm Nhàn nói rằng đó là một khẩu súng thì ông ấy bật cười và nói: “Súng ư? Thứ ấy ta cũng có!” rồi trút hơi thở cuối cùng.

– Khánh Đế triệu Phạm Nhược Nhược, người đã học y thuật ở Bắc Tề vào cung để chữa trị vết đạn bắn.

– Khánh Đế chứng kiến Phạm Nhàn khóc thương bên thi thể của Trần Bình Bình, ông ta không đánh giá cao tình cảm của Phạm Nhàn dành cho người thái giám già. Khánh Đế dù hi vọng rằng cái chết của Trần Bình Bình không phá hỏng mối quan hệ của hai cha con ông ta nhưng trước cảnh này đã phải tính toán lại.

– Phạm Nhàn đổ lỗi cho Ngôn Băng Vân vì đã không tìm cách bảo vệ Trần Bình Bình nhưng trên thực tế chính Trần Bình Bình đã ra lệnh cho Ngôn Băng Vân không được tìm cách can thiệp.

– Cái chết của Trần Bình Bình khiến Phạm Nhàn tỉnh ngộ. Lâu nay cậu ta luôn tránh đối đầu trực tiếp với Khánh Đế mặc dù vẫn nghi ngờ ông ta đã giết mẹ mình. Khánh Đế giờ đây đang hết sức cảnh giác với Phạm Nhàn và cậu ta không có cách nào để hạ được vị hoàng đế quyền uy này.

– Khánh Đế muốn Phạm Nhược Nhược thành hôn với Hạ Tông Vĩ, một tên quan với tính cách hạ lưu vô sỉ, nhưng may mắn thay, thế tử Lý Hoằng Thành đã quay trở lại kinh đô. Mỗi ngày, thế tử đều cầm kiếm đứng trước Thái Y Viện để ngăn cản Hạ Tông Vĩ tiếp cận Nhược Nhược.

– Để hạn chế sức ảnh hưởng của Phạm Nhàn, Khánh Đế sắp xếp Hạ Tông Vĩ làm việc dưới trướng cậu ta. Phạm Nhàn khi biết tên này có ý đồ xấu với em gái mình đã cho hắn một liều thuốc độc nhanh gọn.

– Phạm Nhàn biết rằng dù có cố gắng đến mấy thì trong trò chơi chính trị cậu cũng hoàn toàn dưới cơ Khánh Đế, cuộc đối đầu càng kéo dài thì càng nhiều người thân bạn bè của cậu bị liên lụy. Vì thế, Phạm Nhàn tự mình cầm kiếm vào cung và đối đầu Khánh Đế.

– Phạm Nhàn lúc này đã tôi luyện võ công từ các cuốn bí kíp Chân Khí Bá Đạo, Thiên Nhất Đạo, Tứ Cố Kiếm và Lưu Vân Tán Thủ, cộng với việc luyện tập cùng Ngũ Trúc. Đi cùng cậu ta còn có các cao thủ cửu phẩm mạnh nhất lúc bấy giờ như Đóa Đóa, Vương Thập Nhất Lang, vân vân…

– Kể cả như vậy, khi đối mặt với Khánh Đế, bọn họ không hề có cơ may nào. Nhóm của Phạm Nhàn nhanh chóng thua cuộc và phải bỏ trốn khỏi hoàng cung.

– Trên đường trốn chạy, bọn họ bị Diệp gia truy đuổi, nhiều cao thủ của thành Đông Di đã phải hi sinh để bảo vệ tính mạng của Phạm Nhàn. Bọn họ chỉ may mắn trốn được nhờ sự giúp đỡ của Ngôn Băng Vân và Giám Sát Viện.

Tóm tắt nội dung Khánh Dư Niên

– Phạm Nhàn cùng bằng hữu bị thương nặng chạy sang Bắc Tề. Khánh Đế bị thương do súng bắn vẫn chưa lành, tạm thời chưa thể triển khai kế hoạch thôn tính thiên hạ.

– Phạm Nhàn quyết định đi đến Thần Miếu để tìm Ngũ Trúc. Ngũ Trúc trước đó đã muốn quay lại Thần Miếu để lấy lại những ký ức cũ.

– Diệp Lưu Vân và Phí Giới quyết định giong buồm ra biển, rời khỏi Nam Khánh, tránh xa những tranh chấp. Phạm Nhàn đưa tiễn họ rồi lên đường tìm Thần Miếu.

– Khổ Hà chết, thiên hạ giờ chỉ còn hai đại tông sư là Khánh Đế và Ngũ Trúc.

– Phạm Nhàn cùng Đóa Đóa và Vương Thập Tam Lang đi về phía bắc, sau rất nhiều ngày cuối cùng cũng trông thấy Thần Miếu.

– Ba người họ dễ dàng bước vào Thần Miếu mà không bị điều gì ngăn cản. Thông qua hình chiếu trong Thần Miếu, họ biết được câu chuyện về sự hủy diệt và tái sinh của thế giới.

– Họ tìm thấy một số người máy như Ngũ Trúc, có điều chúng đều cạn năng lượng. Trải qua rất nhiều năm biến động, có lẽ Thần Miếu cũng sắp sụp đổ.

– Ba người tìm thấy Ngũ Trúc nhưng anh ta đã bị Thần Miếu thao túng. Thần Miếu cho rằng Phạm Nhàn cũng giống Diệp Khinh Mi, những kẻ mang “thiên mệnh” sẽ thúc đẩy sự phát triển của nhân loại và cuối cùng sẽ gây ra sự tuyệt chủng. Thần Miếu ra lệnh cho Ngũ Trúc giết Phạm Nhàn.

– Ba người hoàn toàn không phải là đối thủ của Ngũ Trúc. Trong lúc Ngũ Trúc sắp giết được Phạm Nhàn, Đóa Đóa và Vương Thập Tam Lang đập phá máy móc trong Thần Miếu, cuối cùng thành công làm trí tuệ nhân tạo bị tiêu diệt.

– Ngũ Trúc thức tỉnh khỏi sự điều khiển nhưng hoàn toàn không nhớ bất kỳ điều gì. Anh ta chỉ còn lại sự tin tưởng không cần lý do dành cho Phạm Nhàn. Thần Miếu sụp đổ, Ngũ Trúc cõng Phạm Nhàn bị thương nặng cùng hai người kia chay ra ngoài. Bốn người sau đó cùng nhau trở về Nam Khánh.

– Trong lúc Phạm Nhàn hồi phục vết thương, Ngũ Trúc cũng dần dần nhớ lại chuyện của Diệp Khinh Mi. Anh ta quyết định một mình xông vào hoàng cung giết Khánh Đế.

– Một mình Ngũ Trúc tàn sát toàn bộ cấm quân của Khánh Đế nhưng đến lúc đối mặt được với hắn ta thì Ngũ Trúc đã gãy một chân và thanh sắt trên tay cũng không còn.

– Khánh Đế nhìn vào vết thương của Ngũ Trúc và nhận ra máu của anh ta là vàng.

– Tuy nhiên, bản chất Chân Khí Bá Đạo của Khánh Đế là sự tích lũy chân khí nên hiện tại ông ta đang bị thiếu hụt. Thời điểm này cả hai kẻ mạnh nhất đều đang trong tình trạng suy kiệt và không thể một đòn dứt điểm đối phương.

– Phạm Nhược Nhược muốn tranh thủ cơ hội sử dụng khẩu súng máy được Ngũ Trúc trao cho từ lâu để hạ sát Khánh Đế, không may, hắn ta vẫn luôn đề phòng cô từ lâu nên nhanh chóng lao tới bẻ cong khẩu súng.

– Phạm Nhàn cùng bằng hữu tới ứng cứu nhưng cũng không thay đổi được gì.

– Khánh Đế lúc này cho rằng không còn gì đe dọa được mình nữa nên hắn ta quyết định khám phá bí ẩn lớn nhất mà hắn luôn tò mò lâu này: có gì phía sau băng bịt mắt của Ngũ Trúc? Hắn lại gần Ngũ Trúc và tháo tấm vải đen trên mặt anh ta.

– Phía sau tấm vải của Ngũ Trúc đôi mắt được trang bị công nghệ tia laze hủy diệt, Khánh Đế lập tức bị tiêu diệt. (what the hell??)

– Phạm Nhàn cùng gia quyến chuyển về Hàng Châu sinh sống. Sau cái chết của tứ đại tông sư, Phạm Nhàn dần dần cũng trở thành một đại tông sư, thủ lãnh của những cao thủ cửu phẩm đệ nhật thiên hạ.

– Hoàng đế mới của Nam Khánh là tam hoàng tử, đệ đệ tốt của Phạm Nhàn.

– Vương Thập Tam Lang trở thành thành chủ mới của Đông Di, là huynh đệ tốt của Phạm Nhàn.

– Hoàng đế Bắc Tề yêu quý Phạm Nhàn.

– Ngũ Trúc đến Đại Đông Sơn để chữa lành vết thương bằng môi trường phóng xạ ở đây, hẹn sớm quay trở lại với Phạm Nhàn.

– Phạm Nhược Nhược vân du thiên hạ để hành nghề y, Lý Hoằng Thành luôn theo cô không rời.


Related Posts

Chính sách bình luận: Chúng tôi rất trân trọng các bình luận của bạn và cảm ơn thời gian bạn dành để chia sẻ ý tưởng và phản hồi.
Ghi chú: Những bình luận được xác định là spam hoặc chỉ mang tính quảng cáo sẽ bị xóa.

• Để cải thiện trải nghiệm bình luận, chúng tôi khuyến khích bạn tạo một tài khoản Gravatar. Thêm avatar vào tài khoản Gravatar sẽ giúp bình luận của bạn dễ nhận diện hơn đối với các thành viên khác.

✂️ Sao chép và 📋 Dán Emoji 💪 giúp bình luận thêm sinh động và thú vị!